Truy Cập Ẩn Danh – Sự Thật Không Hề Như Bạn Nghĩ

Truy cập ẩn danh

Truy cập ẩn danh được nhiều người quan tâm trong bối cảnh internet ngày càng phức tạp & tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

Sự thật là, trên 95% những người làm theo các hướng dẫn không hề ẩn danh như họ tưởng.

Bài viết này tôi sẽ cố gắng chia sẻ để những người không rành về công nghệ cũng có thể hiểu được về:

  • Truy cập ẩn danh là gì
  • Tại sao phải truy cập ẩn danh
  • Các cấp độ lưu vết
  • Cách truy cập ẩn danh cấp độ 1
  • Cách truy cập ẩn danh cấp độ 2
  • Cách truy cập ẩn danh cấp độ 3

Nếu Bạn có vấn đề gì chưa rõ, đừng ngại hãy comment ở phía dưới nhé.

Truy cập ẩn danh là gì?

Duyệt web ẩn danh là kỹ thuật xử lý ẩn thông tin nhận dạng cá nhân của người dùng khỏi các trang web được truy cập.

Truy cập web thông thường

Hình dưới là mô hình cơ bản các thành phần khi bạn duyệt web.

Truy cập ẩn danh

Về cơ bản Bạn sẽ bị nhận diện bởi:

  • Gateway mạng (router tại nhà, công ty hay các đơn vị cho Bạn truy cập)
  • ISP (Internet Service Provider – Nhà cung cấp dịch vụ internet)
  • Các hacker (chặn dữ liệu trên đường truyền internet để đọc hay thay đổi dữ liệu)
  • Đơn vị cung cấp website mà bạn truy cập, ví dụ trang www.blogger.com

Để dễ hình dung, Bạn có thể hiểu đơn giản như trong cuộc sống đời thường:

  • Bạn xuống hầm lấy xe ô tô và rời khỏi toà chung cư. Bảo vệ toà nhà kiểm tra thẻ xe và biết bạn ở căn hộ nào, đi xe gì. Họ đóng vai trò như gateway mạng vậy.
  • Gần đến cao tốc, Bạn sẽ vào trạm để nhận vé rồi nhập làn. Tại đó họ cũng biết luôn Bạn lái xe biển số gì, các thông số xe chi tiết. Đó chính là ISP.
  • Trên đường đi, rất nhiều người có thể lắp camera theo dõi…như các hacker
  • Rồi đích đến họ cũng biết rõ Bạn là ai luôn nếu muốn

Do vậy, nếu Bạn hồn nhiên lướt web, nhiều người sẽ biết được Bạn là ai, quan tâm vấn đề gì, đã truy cập các website nào

Tại sao phải truy cập ẩn danh?

Công nghệ ngày càng phát triển chóng mặt, nhưng nguy cơ & rủi ro cũng tăng lên tương ứng.

Dưới đây là hai lý do điển hình mà truy cập ẩn danh có thể giúp hạn chế nguy cơ.

Tránh phiền toái

Trong quá trình tư vấn digital marketing, có khách hàng vừa “sợ” vừa chia sẻ:

Hôm vừa rồi tôi có truy cập một trang web về bất động sản. Tuy không hề thực hiện bất kỳ thao tác gì như điền form hay để lại thông tin liên hệ, vậy mà một lúc sau có nhân viên gọi điện hỏi là anh đang quan tâm tới dự án chung cư XXX phải không ạ. Choáng!

Về mặt kỹ thuật, nếu ai đã hiểu sẽ thấy rất đơn giản.

  • Chủ website biết địa chỉ IP của điện thoại di động. (là duy nhất để phân biệt các điểm truy cập mạng internet và được cấp phát bởi ISP).
  • Với trợ giúp của ISP hoặc ISP bị khai thác; chủ website dễ dàng tra cứu ngược từ IP sang số điện thoại. Đó chính là số thuê bao đã đăng ký dịch vụ internet 3G/4G hay ADSL.

Quan điểm cá nhân tôi trường hợp như này là mang lại sự phiền toái.

Nếu quan tâm thực sự, khách hàng của tôi đã chủ động gọi công ty bất động sản kia, hoặc để lại thông tin để họ tư vấn.

Nhu cầu “chưa tới” mà đã mời chào ngay thì chưa hẳn đã hiệu quả.

Tránh nguy cơ bị lừa đảo

Nếu chỉ dừng ở bị phiền hà một lần thì cũng còn tạm chấp nhận được. Nhưng các kịch bản tiêu cực có thể diễn biến tiếp như sau:

  • Từ số điện thoại có thể kết bạn Zalo, Facebook. Qua đó khai thác thêm thông tin cá nhân, gia đình người đó để trục lợi hoặc lừa đảo
  • Tra cứu các thông tin liên quan khác như email, website
  • Các đơn vị xấu có thể bán thông tin (tin mình đi, trên mạng đang bán nhan nhản) để lại tiếp tục bị phiền hà và nguy cơ khác

Đặc biệt nguy hiểm nếu Bạn là một nhân vật nổi tiếng, doanh nhân, nhân vật VIP của tổ chức hay cơ quan nào đó.

Đến lúc này, chân dung của Bạn hiện lên rất rõ: từ họ tên, số điện thoại, nơi ở, gia đình, sở thích/chủ đề quan tâm (thông qua website đã truy cập, càng nguy hiểm nếu là các chủ đề nhạy cảm)…

Không có gì đảm bảo an toàn nếu nó bị lọt vào tay kẻ xấu.

Trên thế giới, những người nổi tiếng khi đi ra ngoài, họ thường đeo khẩu trang hay mặt nạ cũng vì hai lý do này: tránh bị làm phiền và để đảm bảo an toàn cho gia đình & bản thân họ.

Các cấp độ lưu vết

Khi bạn gõ tìm kiếm từ khoá sau đó truy cập vào một website bất kỳ, nhiều thông tin sẽ được lưu vết.

Mỗi loại thông tin sẽ bổ trợ để cho biết Bạn là ai, sử dụng thiết bị gì để truy cập, sở thích/chủ đề quan tâm…

Cụ thể mình chia ra 3 cấp độ & các loại thông tin lưu vết tương ứng như sau.

Cấp độ 1: Tại thiết bị

  • Từ khoá đã tìm kiếm
  • Lịch sử truy cập các trang web
  • Thông tin đăng nhập (nếu đã chọn lưu để lần sau đăng nhập nhanh hơn)

Đặc trưng là các thông tin này chỉ lưu tại thiết bị, cụ thể là bộ nhớ của ứng dụng trình duyệt web.

Cấp độ 2: Hạ tầng mạng

  • Địa chỉ IP đã được cấp phát

Có sự tham gia của hạ tầng mạng để cấp phát địa chỉ IP cho thiết bị.

Cấp độ 3: Tương tác với máy chủ (website)

  • Thông tin cookie nếu Bạn cho phép (là mẩu thông tin mà đơn vị cung cấp website lưu lại trên trình duyệt phục vụ cho mục đích nào đó)
  • Thông tin chi tiết liên quan tới thiết bị (còn gọi là device fingerprint, machine fingerprint hay browser fingerprint), kiểu như máy tính điện thoại loại gì, phiên bản hệ điều hành, ngôn ngữ, vị trí địa lý…

Thông tin trao đổi giữa client (trình duyệt tại thiết bị) với máy chủ chứa website đã truy cập.

Truy cập ẩn danh cấp độ 1

Là mức “ẩn danh” ở thiết bị.

Cách này chỉ “bảo vệ” thông tin lịch sử tìm kiếm, website truy cập và thông tin đăng nhập khỏi những ai tò mò mà dùng chung hay xem trộm thiết bị của Bạn.

Điều này có rất ít tác dụng bảo mật khi mà ngày nay ai cũng sở hữu smartphone và coi đó là thiết bị cá nhân riêng tư bất khả xâm phạm. Khi muốn bảo mật họ cũng chỉ cần bảo vệ bằng mật khẩu cho máy tính, di động là được.

Cách thực hiện cấp độ 1 này rất đơn giản. Bạn chỉ cần sử dụng chức năng “truy cập ẩn danh” có sẵn tại các trình duyệt.

Như hình dưới đây là một ví dụ về hướng dẫn truy cập tab ẩn danh tại trình duyệt Chrome.

Truy cập ẩn danh

Chọn “New incognito window” để mở cửa sổ ẩn danh – Chrome

Truy cập ẩn danh

Màn hình ẩn danh – Chrome

Truy cập ẩn danh cấp độ 2

Như phần trên mình chia sẻ, từ địa chỉ IP có thể dễ dàng truy ra số di động.

Do vậy cách ẩn danh ở cấp độ này là thay đổi địa chỉ IP.

Ngoài lợi ích chính là ẩn danh, việc đổi địa chỉ IP có thêm lợi ích khác nữa là có thể truy cập các dịch vụ hạn chế truy cập theo vùng miền hay quốc gia.

Ví dụ dịch vụ xem phim của một công ty Mỹ chỉ giới hạn cho công dân Mỹ.

Việc đổi sang IP ở Mỹ có thể khắc phục được hạn chế này, để có thể truy cập dịch vụ công ty đó.

Có hai kỹ thuật chính được áp dụng là sử dụng Proxy và VPN (Virtual Private Network – mạng riêng ảo).

Phương pháp sử dụng Proxy

Là kỹ thuật thay đổi đường truyền. Thay vì truy cập website trực tiếp, sẽ thông qua proxy server để truy cập website.

Truy cập ẩn danh

Phương pháp này có một số hạn chế:

  • Dữ liệu không được mã hoá nên dễ dàng bị chặn & đọc
  • Chỉ cấu hình được cho từng ứng dụng riêng lẻ. Không cấu hình được mức toàn thiết bị laptop, máy tính bảng, di động.
  • Dữ liệu giao tiếp giữa máy tính và proxy server không hề được mã hoá

Và các điểm hạn chế này đã được khắc phục ở phương án VPN.

Phương pháp sử dụng VPN

Đây là phương pháp tạo một đường ngầm trao đổi dữ liệu mã hoá giữa máy tính của Bạn tới VPN server. Lưu ý là từ VPN server kết nối tới website trên internet thì không mã hoá.

Truy cập ẩn danh

Với cách này, dù có ngồi làm việc ở WIFI công cộng thì Bạn cũng được an toàn và ẩn danh. Từ website nhìn sẽ chỉ biết được IP của VPN server.

Đây cũng chính là phương pháp mà các các công ty lớn áp dụng. Họ sẽ phải tạo hệ thống VPN để toàn bộ nhân viên ở các chi nhánh có thể trao đổi dữ liệu một cách an toàn.

Bài liên quan: TOP 3 Dịch Vụ VPN Tốt Nhất Dành Cho Cá Nhân

Truy cập ẩn danh cấp độ 3

Khi truy cập website, Bạn không cho đối phương có cơ hội lưu vết thông qua lưu cookie. Đồng thời, thông tin về thiết bị, trình duyệt thì đã được thay đổi.

Tuy nhiên, cái giá đổi lại là Bạn sẽ phải hy sinh các trải nghiệm. Website có thể bị xấu hơn, chức năng bị lỗi hay thậm chí không hoạt động.

Bạn có thể sử dụng một trình duyệt khác, Tor Browser, như một phần mềm ẩn danh. Đây là một chủ đề rất rộng khác mà có thể mình sẽ đề cập ở bài viết khác.

Kết luận

Trong hầu hết mọi trường hợp thì ẩn danh cấp độ 2 là vừa đủ. Cấp 1 thì quá sơ khai & đầy rẫy nguy cơ. Cấp 3 thì sẽ mất nhiều trải nghiệm khi duyệt web.

Đọc tới đây, hy vọng mình đã giúp được Bạn hiểu cơ bản VPN là gì, vai trò ra sao và các cấp ẩn danh.

Nếu là cá nhân và muốn được an toàn trên internet, mình khuyến khích sử dụng dịch vụ VPN.

Nhưng việc chọn một đơn vị uy tín không hề đơn giản. Đó là lý do Bạn nên đọc tiếp bài viết TOP 3 Dịch Vụ VPN Tốt Nhất Dành Cho Cá Nhân.

Trong đó mình có đưa ra 7 tiêu chí, rồi chọn sẵn ra 3 đơn vị hàng đầu để Bạn có thể tham khảo.

PMP Quiz Free