Đạo Đức Người Lập Trình Và Bộ Quy Tắc Dành Cho Lập Trình Viên

Đạo Đức Người Lập Trình Viên

Cái gì cơ? Đang nói về chủ đề đạo đức người lập trình?

Bạn cảm thấy rất lạ phải không?

Thường thì lập trình viên thường được mọi người đánh giá khá tốt và có cảm tình:

  • Đa phần các bạn thông minh, tư duy logic tốt
  • Là dân kỹ thuật nên thuần tính, hiền lành
  • Công việc ít động chạm bởi chủ yếu làm việc trên máy tính

Xã hội chủ yếu bàn tán về đạo đức người thầy giáo, đạo đức y bác sỹ….Vậy còn người làm công việc lập trình thì sao?

Với nền tảng tốt như vậy thì liệu có cần phải có đạo đức nghề nghiệp không?

Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu vấn đề này và làm rõ các lý do vì sao nó lại rất quan trọng.

Nghề nào cũng cần có đạo đức

Đạo Đức Người Lập Trình Viên

Trước tiên, cùng phải làm rõ với nhau một điều gần như đương nhiên, là làm gì hay ở đâu thì cũng phải tuân theo các quy định: Làm người thì phải cư xử như thế nào, ở nhà có gia quy, các tổ chức hay công ty thì có quy định riêng, đất nước có pháp luật…

Ngoài quy định chung được đưa ra bởi tổ chức, hầu hết các ngành nghề đều có bộ quy tắc về đạo đức nghề nghiệp mà không phụ thuộc vào việc họ đang làm trong cơ quan hay công ty nào.

Nghề lập trình cũng không ngoại lệ.

Không phải chỉ bởi là mặc định, mà vì ảnh hưởng ngày càng lớn của các hệ thống phần mềm với cuộc sống.

Ảnh hưởng của hệ thống phần mềm trong cuộc sống

Bắt đầu từ những phiền toái

Tại Việt Nam, phải nhìn nhận sự thật là ứng dụng phần mềm vào cuộc sống còn chưa toàn diện, chưa nhiều (so với các nước phát triển).

Tuy nhiên, không khó để “có được” những trải nghiệm không mấy vui vẻ.

Đạo Đức Người Lập Trình Viên

Hẳn Bạn, cũng giống tôi, đã và đang gặp những vấn đề hỗn loạn như sau khá thường xuyên.

  • Hệ thống quản lý xe trục trặc, dẫn đến hàng đoàn xe dưới tầng hầm phải chờ nhau trong khói bụi
  • Bạn không thể thực hiện giao dịch ngân hàng khi hệ thống đang lỗi
  • Chờ tại sân bay rất lâu khi thủ tục nhập cảnh bị lỗi hệ thống
  • Không thể nộp viện phí khi máy tính bị treo
  • Không thể tiếp tục công việc khi một phần mềm có vấn đề

Chưa kể nếu những hệ thống quản lý tài chính, chứng khoán, quân sự, giao thông…nếu bị dừng thì hậu quả thật sự khó lường
Vậy đó, tất cả đều là kết quả của hệ thống hạ tầng phần cứng + phần mềm đã được lập trình.

Các bạn lập trình viên chính là những người tạo ra chúng.

Tới những thiệt hại khôn lường

Bạn thử hình dung các trường hợp sau xem hậu quả liệu có thể đo đếm được không?

  • Một phần mềm chẩn đoán hay phẫu thuật có sai số quá lớn, dẫn tới việc phán đoán nhầm bệnh hoặc phẫu thuật sai bộ phận, thậm chí sẽ dẫn tới chết người
  • Lỗi tại hệ thống ngân hàng khiến các tài khoản mất hết tiền
  • Sai số trong xử lý chứng khoán, dù chỉ chênh lệch 0,00001 đi chăng nữa, nhưng với lượng giao dịch hàng tỷ $ và lặp lại trong mỗi giao dịch thì hậu quả cũng thật khủng khiếp
  • Những phần mềm lái tàu hay xe tự động, nếu sai gây tai nạn thì hậu quả ra sao?
  • Một mã độc cố tình chèn vào phần mềm đánh cắp dữ liệu hay tiền bạc

Chỉ với vài trường hợp trên thôi, tôi tin bạn cũng đủ để toát mồ hôi rồi.

Thế mới thấy, với nghề lập trình viên, khi công nghệ ngày càng phát triển, đạo đức của ngành nghề này càng phải được chú trọng, yêu cầu càng phải cao, đồng thời cần phổ biến rộng rãi hơn nữa để mọi người hiểu được tầm quan trọng cũng như có nhận thức đúng đắn để tuân thủ.

Bộ quy tắc đạo đức người lập trình

Một người lập trình viên PHẢI:

  • Điều 1: Không bao giờ tạo hoặc phân phối phần mềm độc hại
  • Điều 2: Không bao giờ viết code mà cố tình làm khó hiểu hay để người khác khó theo dõi
  • Điều 3: Không bao giờ viết tài liệu cố ý gây nhầm lẫn hoặc không chính xác
  • Điều 4: Không bao giờ dùng lại mã nguồn có bản quyền mà chưa mua hay chưa được phép
  • Điều 5: Thừa nhận (bằng lời nói và trong comment mã nguồn) khi dựa trên mã nguồn của các lập trình viên khác cho dù khi có những thay đổi đáng kể được thực hiện
  • Điều 6: Không bao giờ cố tình viết mã không hiệu quả từ đầu để sau này đăng ký sửa lại code hiệu quả hơn để kiếm tiền hay nâng cao uy tín
  • Điều 7: Không bao giờ cố tình viết mã tạo bug để sau này đăng ký sửa lỗi hay phát triển các phiên bản tiếp theo
  • Điều 8: Không bao giờ viết code mà cố ý phá vỡ mã của một lập trình viên khác với mục đích hạ uy tín người đó hay đánh bóng bản thân
  • Điều 9: Không bao giờ che giấu những khó khăn đã biết đối với việc hoàn thành dự án trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào, đặc biệt là giai đoạn thiết kế
  • Điều 10: Không bao giờ cố tình hạ thấp khó khăn của việc hoàn thành một dự án
  • Điều 11: Báo cáo bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào của người sử dụng lao động
  • Điều 12: Không bao giờ phỉ báng sự chuyên nghiệp, các chuyên gia khác
  • Điều 13: Không bao giờ phủ nhận sự tồn tại của lỗi
  • Điều 14: Không bao giờ tiết lộ tri thức hay bí mật của công ty
  • Điều 15: Không bao giờ chấp nhận tiền công hay tiền đền bù từ nhiều bên cho cùng một kết quả công việc trừ khi được cho phép
  • Điều 16: Không bao giờ thực hiện công việc cạnh tranh mà không có sự hiểu biết chung của tổ chức
  • Điều 17: Không bao giờ che giấu thông tin với các thành viên khác của nhóm phát triển
  • Điều 18: Không bao giờ che giấu với người sử dụng lao động hay công ty lợi ích tài chính của họ trong các thông tin liên quan đến nguồn lực phát triển dự án
  • Điều 19: Không bao giờ che giấu bất kỳ xung đột lợi ích nào có thể ảnh hưởng đến dự án
  • Điều 20: Không bao giờ tìm kiếm lợi nhuận bên ngoài từ một dự án đã được tài trợ bởi một bên thứ hai mà không được phép của họ. Nếu được cho phép bán lại một sản phẩm, sản phẩm đó nên được giảm giá
  • Điều 21: Không bao giờ làm hại uy tín và danh tiếng của người sử dụng lao động, công ty hoặc các thành viên khác thuộc nhóm phát triển
  • Điều 22: Không bao giờ xuyên tạc kiến ​​thức, kinh nghiệm hay khả năng của cá nhân
  • Điều 23: Không bao giờ lấy tiền hay uy tín từ kết quả công việc của người khác
  • Điều 24: Không bao giờ ăn cắp phần mềm, đặc biệt là các công cụ phát triển
  • Điều 25: Không bao giờ che giấu những thiếu sót của các lập trình viên khác bằng cách viết mã giúp họ và cho PASS coi như là công việc của họ
  • Điều 26: Không được cài đặt ứng dụng của bên thứ ba mà không được sự cho phép của người dùng
  • Điều 27: Luôn cập nhật sự tiến bộ của lĩnh vực Khoa học Máy tính
  • Điều 28: Không bao giờ bắt buộc người dùng cập nhật trừ khi phải thông báo và được họ đồng ý

Nguồn: gammadyne.com

Trên đây là bộ quy tắc gồm 28 điều liên quan tới đạo đức người lập trình. Hy vọng Bạn nắm được tinh thần này và thực hiện để tránh vi phạm.

PMP Quiz Free