Từ khi đạt chứng chỉ vào đầu năm 2008, tôi thường được bạn bè và đồng nghiệp hỏi về kinh nghiệm thi PMP.
Theo tôi, thi PMP hay bất kể chứng chỉ gì thì cũng đều giống nhau và gồm các bước: đăng ký thi, ôn tập, thi thử rồi đến thi thật. Có chăng khác nhau chỉ là chiến lược ôn tập & thi. Chiến lược ôn tập thì có rất nhiều trên mạng và các diễn đàn.
Bản thân tôi cũng có bài viết có thể sẽ hữu ích với Bạn: Chứng Chỉ PMP Là Gì – Cẩm Nang Dành Cho Project Manager
Trong khuân khổ bài viết này, tôi muốn chia sẻ khía cạnh khác: chiến lược thi.
Kinh nghiệm thi PMP là Bạn phải có chiến lược
Lý do bắt nguồn từ câu chuyện của một người Bạn.
Rất không may là anh thi PMP cả 3 lần không đỗ.
Tôi dám chắc mỗi lần thi anh đều ôn tập rất kỹ, đặc biệt là các lần thi tiếp theo.
Nội dung ôn tập thì vẫn vậy, không tăng thêm.
Trên thực tế công việc, Anh là một PM và Leader tài năng. Vậy phải có một nguyên nhân gì đó.
Nó không liên quan đến nội dung ôn tập mà có thể là một chiến lược xuyên suốt thì lúc ôn tập cho tới lúc thi.
Chiến lược đó là gì?
Tôi nhanh chóng nhận ra vấn đề từ câu chuyện anh Bạn tôi. (Tuy nhiên đó vẫn chỉ là nhận định cá nhân).
Bởi vì đó cũng là điểm quan trọng tôi đã sớm rút ra ngay từ quá trình ôn tập, và định hướng cho tới lúc thi.
Điểm mấu chốt là: Hãy “quên” đi toàn bộ kinh nghiệm quản lý dự án mà Bạn đã có. (lưu ý quên tạm thời thôi 🙂) Nghe có vẻ mâu thuẫn!
Điều kiện thi thì cần 3 đến 5 năm kinh nghiệm, sao lại phải quên đi? Tôi cũng đã trăn trở như vậy và dưới đây là các lý do.
Lý do cần quên đi kinh nghiệm thực tế
Cần hiểu PMP là chứng chỉ quản lý dự án chuyên nghiệp tiêu chuẩn toàn cầu.
Các PM được đào tạo bài bản, tuân thủ quy trình trong một hệ thống quản trị tương đối hoàn chỉnh và được trợ giúp cũng như kiểm soát.
Tôi không rõ các ngành khác thế nào, nhưng với phần mềm thì chúng ta chưa đạt được trình độ như quốc tế (ít nhất cho tới thời điểm tôi thi là đầu năm 2008).
Quy trình quản lý dự án thực tế đa phần là chưa hoàn chỉnh
Các vấn đề PM gặp phải:
- Nhiều PM xuất phát là lập trình viên, technical leader thích chuyên môn, “ghét” làm quản lý.
- Thiếu đào tạo bài bản trước khi giao nhiệm vụ. Nếu có thì chủ yếu là đào tạo nội bộ từ kinh nghiệm của các PM đi trước (chưa chắc đã chuẩn).
- Các doanh nghiệp lớn thì có phòng ban hỗ trợ cho những việc như đánh giá rủi ro, mua sắm trang thiết bị… nên PM sẽ có ít kinh nghiệm liên quan
- Đa phần quản lý dự án là xử lý tình huống “sự đã rồi”, ít có hành động phòng ngừa
- Bỏ qua nhiều quy trình
Tức là, những việc mà PM làm trên thực tế nó có thể khác rất xa so với quy trình bài bản.
Đó là nguyên nhân mà nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm sẽ không đảm bảo theo chuẩn quản lý dự án quốc tế.
Vậy nên làm gì với các kinh nghiệm đã có?
Đối chiếu! Tức là trong quá trình ôn tập, Bạn phải luôn so sánh kinh nghiệm thực tế với nội dung PMBOK.
- Công việc đang làm thực tế thuộc phần nội dung nào?
- Mình có đang thiếu input/output hay các bước quy trình gì không?
- Đáng lẽ nên làm như thế nào?
Cả các bài tập tình huống hay làm bài thi thử cũng nên như vậy, vừa để rút ra bài học (sẽ nhớ lâu hơn), vừa giảm sự chủ quan từ kinh nghiệm.
Lời kết
Kinh nghiệm sẽ rất có giá trị nếu như chúng ta có thể học hỏi từ nó. Sau khi ôn và đỗ PMP, Bạn có thể hiểu được cần phải điều chỉnh những gì để mang lại hiệu quả tốt hơn nữa cho dự án.
Đó mới chính là mục đích thực sự của chứng chỉ này.
Hy vọng bài viết giúp Bạn có thêm một kinh nghiệm thi PMP.
Chúc Bạn thành công!